Blog Radio - Bạn yêu Blog Radio thân mến! Trong cuộc đời chúng ta có những ký ức, những kỷ niệm, những hình ảnh của tuổi thơ đã một lần đi qua để trái tim mãi thổn thức nhớ về. Hy vọng Blog Radio 288 sẽ đưa bạn cùng trở về hay mơ về một lối nhỏ tuổi thơ. Một lúc nào đó giữa những bộn bề cuộc sống, những hình ảnh thân thương gần gũi này sẽ mang lại cho ta một nụ cười dịu ngọt, một chốn bình yên tuyệt đối trong trái tim mỗi người... Blog Radio 0h15' thứ 7 hàng tuần tại blogviet.com.vn - đồng phát trên sóng phát thanh vào 0h30' đêm thứ 3 rạng sáng thứ 4 hàng tuần trên Hệ thông tin giải trí VOV3 - Đài tiếng nói Việt Nam
- Những lối về ấu thơ
Một nỗi buồn man mác, một nỗi nhớ bất chợt đã đưa tôi về với những kỷ niệm dưới đình làng, cây đa, mái trường xưa. Nơi đây, những người thầy, người cô, bạn bè đã đi qua đời Tôi. Nhớ những ngày đi học cùng lũ bạn đến trường. Tiếng trống trường kêu vang. Tôi nhớ những tiếng ve kêu mùa hè, những bài giảng thày cô dạy năm nào. Bất chợt Tôi nhớ bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, than ôi thời oanh liệt nay còn đâu? Còn đâu những buổi trưa hè nắng cháy, tay cầm ngọn cỏ lau, miệng hò hét vờn nhau của những đứa bạn? Còn đâu tiếng ếch gọi đàn những chiều sau mưa? Chiều nay, sau cơn mưa rào, tôi bỗng nghe những chú ếch phồng má ỗm ờ giai điệu trống vang. Thật tuyệt vời khi quê tôi có những âm thanh thế này, và có lẽ dù thời gian có làm thay đổi mọi thứ, khúc nhạc đồng quê vẫn giàu chất trữ tình, đượm một nét buồn đặc trưng của vùng cái đất này... Tôi nhớ lắm những tiếng rao "ai bánh khúc, bánh giò, bánh chưng, bánh nếp không"? Tiếng rao như bản hòa ca trong màn đêm, tiếng mời gọi lúc du dương lúc trầm lúc bỗng về đêm trên những con đường, những ngóc ngách quê Tôi, của những người chị, người mẹ. Giờ còn đâu nữa tiếng mời gọi êm êm "ai bánh khúc, bánh giò, bánh chưng, bánh nếp không?"... mà nhường chỗ cho những thanh âm hỗn loạn ngày và đêm, từ trong loa trong đài. Nhớ những buổi trưa chiều Tôi háo hức theo đám bạn hẹn nhau ra đầu làng có dòng sông trong mát, có lũy tre nghiêng mình che bóng mát, chúng bạn hò reo phấn khích lao vào chơi quên cả thời gian. Nhớ một vùng quê yên bình ngày ấy. Nhớ những người đã gắn bó với tuổi thơ ta. Còn đó những đêm hè là những kỷ niệm mà Tôi không thể nào quên. Ngày ấy, cứ đêm về bố tôi lại đem chiếc chõng tre ra sân để mấy ông cháu hóng mát và không khí dịu mát của đồng quê. Chiếc chõng tre không biết có từ lúc nào? Tôi chỉ biết nó đã gắn bó với tuổi thơ của mấy anh em Tôi. Chiếc chõng tre là nơi ru mấy anh em tôi vào giấc ngủ khi đêm về qua những câu chuyện của ông của bà. Là nơi mấy chị em chúng tôi đã vịn tay vào để tập những bước đi chập chững đầu tiên của cuộc đời. Có những đêm rằm, trăng tròn vành vạnh, mấy ông cháu mang chõng tre ra sân nằm trông trăng. Ánh trăng nhuộm vàng lên vạn vật, từ khu vườn đến tàu dừa, mái ngói... Tôi say sưa ngắm ông trăng tròn huyền diệu. Bao mùa trăng lên rồi trăng lặn, theo thời gian tôi đã lớn rồi, chiếc chõng tre vẫn còn đó nhưng ông tôi thì không còn nữa... Cuộc sống nơi đô thị tấp nập cứ tưởng sẽ khiến cho hình ảnh chiếc chõng tre nhạt nhòa dần trong tâm trí của tôi. Nhưng bất chợt một ánh trăng trong cái thành phố tấp nập đã làm khơi dậy trong tôi biết bao kỷ niệm tuổi thơ về chiếc chõng tre ngày nào.
Kỷ niệm trẻ thơ ấy luôn lưu giữ trong ký ức của Tôi. Giờ Tôi và các bạn đã trưởng thành . Mỗi người đi theo hướng đi riêng của mình. Lâu lâu Tôi họp mặt lại với chúng bạn . Nhắc lại mấy câu chuyện hồi nhỏ . Nhiều cái trò ngây thơ đến hồn nhiên mà cả bọn thi nhau kể lại tạo nên một bầu không khí vui nhộn sôi nổi nhiều phen cười bể bụng. Có những khi đi học về hoặc khi có dịp về quê chơi , Tôi ngang qua lũy tre làng năm nào. Nhìn thấy các em nhỏ chơi trò bịt mắt bắt dê hay chi chi chanh chanh , tay trắng tay đen.. Nhìn các em chơi mà Tôi muốn nhảy vào tham gia góp vui cùng để ôn lại kỷ niệm thời xa xưa đó. Nhưng nhìn lại Tôi đã lớn rồi mà còn chơi thì chắc các bạn che mặt phì cười thì ngại lắm. Thôi gác lại , Đành phải ngồi cổ vũ cho mấy bé nhỏ vậy . Ánh hoàng hôn buổi chiều buông xuống làm hiện lên một khung cảnh đẹp mà nên thơ như tranh vẽ . Thì cũng đúng lúc Tôi phải về rồi . Tạm biệt các em nhỏ , kỷ niệm thời thơ ấu ngày nào của tôi. Tạm biệt trò chơi dân gian lưu luyến ấy... Trong cái nhịp sống hối hả, vội vàng như ngày nay, các làng quê đang khoác lên cho mình một chiếc áo mới, các trò chơi tuổi thơ, những kỷ niệm đẹp bên khóm tre, mái đình, dòng sông…đang dần mất đi những hình ảnh vốn có. Với các thế hệ sau này, có lẽ nó sẽ nằm trong trí tưởng tượng, qua những lời kể. Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà Đến nhà ga, xếp hàng, mua vé Lần đầu tiên trong nghìn năm Có lẽ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ Vé hạng trung” Người bán vé hững hờ Khe khẽ đáp “Hôm nay hết vé” (Thơ Robert Rojdesvensky)
- Blog Radio chuyển thể từ email thính giả Bùi Vững <buivungck3.yy@>
- Bình Ba Quê Hương Tôi
Đến một lúc nào đó chợt ký ức tuổi thơ từ một cõi xa xăm trong tiềm thức ùa về khiến cho lòng ta như lắng lại, hồi tưởng lại những tháng ngày đã qua mà không khỏi thầm tiếc nuối, nhớ nhung... Quê hương mãi mãi ở trong ta Dẫu có tha phương biệt mái nhà Đất Tổ là gì ai cũng hiểu ... Như là ....chỉ một Mẹ và Cha ......! Quê tôi nổi tiếng ‘Tôm hùm’,được trời ban phú cho dòng nước trong xanh, êm đềm của sóng, ngọt ngào bởi đất đã đi vào huyền thoại lòng người nơi xứ biển. Bình minh vừa rạng sáng, là lúc đông vui nhộn nhịp nhất, người người chen lấn nhau để được mồi cho tôm ăn, cả đàn ông lẫn đàn bà, trẻ nhỏ lẫn thanh niên ai nấy mặc sức mà “đấu chiến”. Phiên chợ cá diễn ra trong tích tắc, lúc bấy giờ cuộc chiến tranh dành mồi dừng lại. Ai nấy cũng có phần, họ cười cười nói nói rôm rã…mặc dù chỉ mới hỗn độn đây thôi.Là thế đó, nó cứ diễn ra hằng ngày vào mỗi buổi sáng tinh mơ, nếu ai đã từng đến và thấy hình ảnh thân thuộc này chắc hẳn cũng ngac nhiên đôi chút về cuộc sống nơi đây. Ồn ào, xô đổ vậy đó nhưng tình cảm của mỗi người dân nơi đây yêu mến, hòa thuận bởi họ hiểu rằng mình là một mái nhà. Đi trên mỗi con đường được nối theo nhiều ngã rẽ ngoằn ngoèo, chằn chịt nhà cửa là những quán ăn san sát nhau. Song không phải nhà hàng, hay món ăn vỉa hè mà chỉ tạm bợ một góc nào đó trước hiên nhà cũng được gọi là “quán”. Bánh xèo, bánh căn, bánh canh cá tất cả quen thuộc nhưng lại mang mùi vị màu sắc khác với các vùng miền. Nó không cầu kì, chỉ đơn thuần giản dị, đơn sơ giống như người dân nơi đây. Họ không phải suy nghĩ nhiều về cuộc sống ngột ngạt chỉ đơn giản là đủ ăn đủ mặc sống vui từng ngày bên gia đình. Nhớ lại hồi đó, cứ năm ba trăm đồng lại được thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn , đến tận bây giờ tôi vẫn không quên đi mùi vị từng món ăn. Thế thôi! Cũng đủ nuôi sống lũ trẻ chúng tôi hằng ngày.Tôi còn nhớ, đứa thì đầu trần ,chân đất, quần áo sệch soạt, tụm năm tum bảy rong chơi ngoài đường mặc cho trời nắng gắt, cháy thui cả da vẫn kéo nhau đi chơi, trèo cây, leo núi hái những quả ngon. Rồi đến xế chiều cả đám ùa nhau ra cầu, leo lên mui ghe là nơi cao nhất của thuyền. Lúc này thì mặc sức xem ai “nhảy cầu” điêu luyện và xoáy nhiều vòng nhất .Còn gì bằng cái cảm giác “tung chưởng” xuống biển, rồi lặn sâu dưới tận lòng biển…Vậy mà, chúng tôi cũng lớn khôn đó thôi, đứa nào đứa nấy đều rắn chắc, khỏe mạnh hơn hẳn trẻ con nơi thành thị. Bởi chùng tôi là những đứa con của biển được mang trong mình hơi thở của nước, được bao bọc lớp phù sa của cát. Tôi yêu quê hương đơn giản chừng ấy vì nơi ấy tôi được sống trong vòng tay của người Mẹ thân yêu, người Cha đáng kính, có làng sớm và có cả tuổi thơ tinh nghịch, một thời học sinh quậy phá. Yêu biển, yêu con người nơi ấy, hay yêu quê bởi cái nắng gay gắt của chiều tháng 6, bởi dòng nước tắm mát cuộc đời tôi. Bình Ba! Nó chỉ là câu từ được gắn ghép có vần điệu mà thôi. Nhưng dù vần điệu ấy có đôi lúc lạc nhịp thì vẫn còn con sóng vỗ về khi lòng người còn bịn rịn giứa thành phố đông đúc và ngột ngạt này. Cũng giống như Đỗ Trung Quân đã hỏi: Quê hương là gì hở Mẹ Mà cô giáo dạy phải yêu Quê hương là gì hả Mẹ Ai đi xa cũng nhớ nhiều… Đối với tôi làm sao không khỏi chạnh lòng khi nhớ về miền ký ức tuổi thơ?. Làm sao ta có thể quên cái nôi đã cho ta một cuộc đời. Cảm động, xao xuyến, và da diết nhớ thương là tất cả những cảm xúc của tôi mỗi khi nghe ca khúc này. Giai điệu nhẹ nhàng cứ chảy tràn vào tận mọi ngóc ngách tâm hồn tôi - một đứa con đi học xa nhà. Để rồi theo mỗi bước đường đời, ngọn lửa ấy bùng cháy, thôi thúc tôi sống cho quê hương và sống với quê hương khi mà giữa cuộc sống xô bồ hiện tại, thời buổi mà con người ta dám mua bán danh vọng, danh dự để chạy theo đồng tiền. Nhưng một điều chắc chắn rằng biển quê tôi vẫn luôn luôn chảy, nó có thể cuốn đi những ưu phiền và bồi đắp phù sa của niềm vui sống, là điểm trở về bình yên của ta trong cuộc đời nhiều bươn trải. Ngày nào đó chợt nghe trong tim lao xao tiếng hát của Biển – Bình Ba ơi?
- Blog Radio chuyển thể từ email thính giả Bình Minh - binhminh@...
No comments:
Post a Comment