Tuesday, August 7, 2012

[Audio Book] Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh - Thích Nhất Hạnh


Mở đầu


Phần 1 - Chương 1


Phần 1 - Chương 2


Phần 1 - Chương 3


Phần 1 - Chương 4


Phần 1 - Chương 5


Cách đây vài năm, để tìm tài liệu cho cuốn sách của tôi ‘thế giới vắng bóng con người’ (the world without us) tôi có viếng thăm một bộ lạc ở Ecuador, Nam Mỹ. Mảnh đất nhỏ này may mắn còn sót lại của rừng già Amazon nổi tiếng màu mỡ, nhưng cũng bị khai thác đến mức cạn hết nguồn thực phẩm nên người dân bộ lạc bắt buộc phải săn bắn loài khỉ nhện (spider monkey) để ăn thịt. Điều này làm cho họ rất đau lòng bởi vì họ vẫn tin rằng họ là con cháu của loài khỉ nhện này.

Trong cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh ‘Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh’ (The World We have) Thầy có nói về kinh Tử Nhục, và đó là dẫn chứng hùng hồn cho sự thật đau lòng kể trên. Kinh muốn nhắc nhở chúng ta nên học cách tiêu thụ cho có chánh niệm, cho có tình thương, nếu không ta sẽ khó tránh được thảm kịch ăn thịt chính con cháu của mình.

Tôi chẳng phải là phật tử hay hiền nhân, tôi chỉ là một phóng viên nhà báo, và với tư cách khiêm tốn đó, tôi xin được giới thiệu với độc giả cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh ‘Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh’ (The World We have). Như trước đây, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam khốc liệt, và bây giờ trong tình trạng nguy kịch của trái đất, Thầy lại lên tiếng tha thiết kêu gọi tất cả chúng ta hãy sống cho có chánh niệm để thiết lập lại những giá trị đạo đức làm căn bản cho hạnh phúc con người.

Thầy Nhất Hạnh và tôi, mỗi người có phương cách hành động riêng để cùng đi đến một kết luận chung là nếu con người chúng ta bỏ quên nguồn gốc của mình thì không thể nào có điểm tựa vững chắc để xây dựng tương lai.

Trong cuốn sách của tôi ‘Thế giới vắng bóng con người’ tôi muốn hình dung đến một tình trạng mà hành tinh của chúng ta phải đối phó khi tất cả loài người đột nhiên biến mất khỏi trái đất. Tôi tự hỏi phần lành lặn còn lại của trái đất sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để xóa nhòa mọi dấu tích thê thảm mà con người đã để lại, phải mất bao nhiêu thời gian để chữa lành mọi thương tích, hàn gắn những đổ nát, giải trừ được tất cả những chất độc, và hồi phục lại nguyên vẹn thiên đường đã đánh mất? Theo cuộc nghiên cứu của tôi thì lúc ấy, phần lớn những công trình vĩ đại nhất, tinh vi nhất mà con người rất tự hào sẽ bị tàn rụi một cách nhanh chóng không ngờ. Những chất độc khác trong không khí cũng sẽ được hoàn toàn thanh lọc dù mất nhiều thời gian hơn.
Luật tạo hóa là như thế đấy, không có gì có thể tồn tại lâu dài trên cõi đời này, các nhà khoa học và kỹ thuật gia đều đồng ý với đức Thế Tôn về điểm này.

Thực ra hành tinh của chúng ta từ thời khai thiên lập địa đã từng chứng kiến nhiều biến cố kinh hoàng hơn nhiều. Từ hàng triệu năm trước, núi lửa và đại hồng thủy đã từng tiêu diệt hoàn toàn sự sống trên trái đất. Thế mà sự sống rất mầu nhiệm, luôn tìm cách để tái sinh. Đã có thời có những loại bò sát khổng lồ xuất hiện, có thời là những loài động vật có vú rất kỳ diệu. Sự sống mầu nhiệm luôn tìm cách vươn lên trong mọi tình huống.
Ai cũng biết là mình không thể sống đến vạn kiếp, mọi loài sinh vật trên trái đất cũng sẽ có ngày bị tận diệt. Cho nên phải biết tôn vinh sự sống trong từng giây phút, như Thầy Nhất hạnh vẫn thường nhắc nhở. Khi ta hiểu được rằng ta thuộc vào một dòng tâm thức liên tục tái sinh, ta sẽ có được sự bình an nội tâm sâu thẳm, tuy nhiên không phải vì vậy mà ta quên đi trách nhiệm mà cuộc đời đã giao phó cho ta. Giải thoát giác ngộ chỉ có thể tìm thấy ngay trong cuộc đời đầy khổ lụy này, Thầy Nhất hạnh vẫn thường diễn giải điều này một cách thâm thúy.

Một buổi trưa sáng sủa nhưng lạnh lẽo của tháng 11 năm 2003, tôi đứng trên một vực cao nhìn xuống thung lũng sâu phía dưới cùng với năm người bạn là những thành viên lỗi lạc của xã hội. Đây là phía bắc thành phố Ch’orwon thuộc tỉnh Kangwon-Do, Hàn Quốc. Chúng tôi đứng ngắm nhìn vùng phi quân sự ngăn đôi hai nước Triều tiên và Hàn Quốc đã từ 50 năm nay. Đây là một vùng có phong cảnh vô cùng hữu tình, nhưng cũng đầy ác nghiệt, vì nó đứng đó để chia cách một dân tộc có chung một lịch sử, một ngôn ngữ, một dòng máu; nó đứng đó để ngăn ngừa hai người anh em giết hại nhau vì bây giờ họ đã trở thành thù nghịch. Hai bên vẫn có thể thấy rõ nhau, thấy rõ những dãy nhà chứa đầy khí giới đang chĩa vào nhau và sẵn sàng khạc lửa nếu bị khiêu khích.

Vùng phi quân sự này trước đây là làng mạc và ruộng đồng trù phú, sau 50 năm bị bỏ hoang, bây giờ trở thành nơi trú ẩn rộng lớn của những loài chim hiếm quí, trong đó có loài hồng hạc hay được vẽ trên tranh lụa. Theo Nho giáo và Phật giáo, loại chim này là biểu tượng của trường sinh và những đức tính cao quý. Khi mùa đông đến, chim hồng hạc bay về vùng phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên để trú ẩn. Đó là một điều kỳ diệu mà cả hai bên đất nước đang được chiêm ngưỡng.

Mấy người bạn của tôi là khoa học gia và chuyên viên về môi sinh trong chính phủ Hàn Quốc. Chúng tôi cùng đứng ngắm nhìn 11 con chim hồng hạc đang thảnh thơi nhẹ nhàng lướt đi giữa hai hàng rào võ trang thù nghịch. Đầu của chúng màu hồng đào, lông cánh viền đen, ngoài ra toàn thân một màu trắng tinh khiết. Chúng chẳng hề biết về không khí căng thẳng giữa hai nước anh em, chúng bình thản đi tìm mồi trong những bụi cây.
Được biết là chỉ còn 1500 con chim hồng hạc còn sống sót, cho nên không thể tả được nỗi vui sướng khi thấy có rất nhiều chim con trong đàn chim. Phải nói là chúng tôi quá may mắn khi được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp huy hoàng này. Nhưng cũng khó mà tin rằng loài chim này sống sót được là nhờ cuộc chiến tranh bất phân thắng bại giữa hai nước anh em. Nếu hòa bình được tái lập giữa hai nước, chắc chắn vùng đất hoang dã này sẽ được hai bên bình định lại để mở mang phát triển, và như vậy loại chim hồng hạc sẽ không còn lý do để tồn tại. Trừ phi những nhà lãnh đạo của hai nước cũng hiểu rằng lãnh thổ chia đôi tuy có khổ đau nhưng đồng thời cũng gây ra được điều phúc lợi.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới, trong đó có các bạn của tôi, liên tiếp tham gia đề nghị giữ vùng phi quân sự giữa hai nước Triều Tiên thành một công viên hòa bình của thế giới. Như vậy các loài chim hiếm quí sẽ được bảo vệ, và hành động này là một tặng phẩm đẹp đẽ dành cho trái đất của chúng ta, và hai nước Triều Tiên như vậy cũng sẽ được cả thế giới ủng hộ.

Tôi hỏi các bạn của tôi việc này có thể thành sự thật được không . Họ trả lời là họ không ngừng cố gắng.
Ba ngày sau tôi mới thực sự hiểu được những thử thách mà họ phải đương đầu, khi một người trong số họ dẫn tôi đến một tu viện Phật giáo trên một vùng núi cao ở phía bắc Seoul. Đây là một trong những tu viện cổ kính nhất Hàn Quốc, quang cảnh rất hùng vĩ, cho nên các nhà sư ở đây cũng như các chuyên viên bảo vệ môi sinh đang cật lực tranh đấu để nhà chức trách không xâm phạm đến tu viện này khi họ có dự án mở rộng thành phố với những xa lộ có tám đường xe chạy, mà một trong những xa lộ này sẽ chạy ngang ngay dưới lòng đất của tu viện.

Nếu chính phủ thực hiện điều đó thì đúng là bất kính đối với tu viện. Tuy vậy tôi vẫn muốn hỏi Thầy trụ trì là sự tranh đấu của quí thầy để bảo vệ tu viện có đi ngược lại với giáo pháp mà Bụt dạy về sự không vướng mắc vào vật chất hay không? Và người bạn chuyên viên về môi sinh của tôi, khi anh ấy để hết tâm huyết tranh đấu cho những quyền lợi của trái đất, nếu nhìn theo quan điểm của Phật giáo, sự tranh đấu đó có là chướng ngại lớn lao cho sự tiến bộ về tâm linh của anh?

Bụt đã dạy rằng mọi vật đều vô thường, cái gì rồi cũng sẽ biến đổi, vậy thì tìm cách bảo vệ môi trường - hay bất cứ cái gì - có còn cần thiết hay không ?
Thầy trụ trì trả lời là mọi vật sẽ biến đổi, đúng vậy. Tuy nhiên, Thầy nói tiếp, cũng như mình phải giữ gìn cho thân tâm được lành mạnh để tìm đường đến giải thoát, mình đang có mặt trên hành tinh này thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ và trân quí nó.

Tôi cảm thấy có cái gì khó hiểu trong bài học mâu thuẫn này. Nên tôi lại đặt một câu hỏi khác với Thầy trụ trì. Chúng tôi đang ngồi uống trà với nhau trong liêu thất của Thầy, cách đó không xa là thiền đường nơi quí sư, đệ tử của Thầy, đang ngồi trên sàn gỗ để tụng kinh. Hồi nãy, khi đi ngang qua thiền đường tôi có liếc mắt nhìn vào, tôi thấy có nhiều tượng bồ tát dát vàng và nhiều bức rồng chạm trỗ. Tôi dừng lại một chút để lắng nghe quí thầy tụng kinh. Tôi không hiểu gì cả nhưng hình như có chút gì xao động trong tôi.
Tôi hỏi Thầy trụ trì: Bạch Thầy, quí sư đang tụng gì vậy ?
‘Họ đang tụng kinh Kim Cương’
‘ Bạch Thầy, kinh nói gì vậy?’
Thầy giảng cho tôi hiểu sắc chính là không mà không cũng chính là sắc.
Tôi thật tình không thể nào hiểu nỗi.
Thầy nói: anh cần phải lắng nghe nhiều hơn.

Trong cuốn sách mới xuất bản này, Thầy Nhất Hạnh cũng mời tất cả chúng ta hãy lắng nghe sâu. Thầy đã định nghĩa kinh Kim Cương như là kinh đầu tiên nói về môi sinh một cách sâu sắc. Kinh cho thấy là không có cái gì có thể tồn tại một cách độc lập, tất cả đều phải nương vào nhau để hiện hữu. Cũng như đóa hoa phải nhờ rất nhiều yếu tố để có mặt như: đất, nước, ánh nắng mặt trời, những con ong, con bướm v.v… con người chúng ta cũng vậy, chúng ta không thể nào tách rời khỏi vũ trụ chung quanh ta.

Cũng theo kinh Kim Cương, nếu con người chỉ thấy mình thuần túy là người thôi thì thật là nghèo nàn, mình chưa thấy rõ được thực chất của mình. Tổ tiên của chúng ta không phải chỉ là con người, tổ tiên của chúng ta còn là cây cỏ và cầm thú, và ngay cả đất đá nữa.
Tôi không bao giờ quên được lời Thầy giảng, cũng như không bao giờ quên được tiếng tụng kinh trên núi cao ở Hàn quốc, tiếng kinh đó vẫn còn vang vọng trong đầu tôi.

Thầy Nhất Hạnh luôn nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng mình đã từng là đá, là mây, là cây lá. “Con người là sinh vật mới xuất hiện gần đây thôi. Chúng ta nên nhớ lại nguồn gốc xa xôi của mình, để biết khiêm tốn hơn ”.
Thực vậy, khiêm tốn là không những biết kính trọng óc thông minh lỗi lạc của con người mà còn biết khâm phục cả những cây phong lan đã nở ra những đóa hoa tuyệt mỹ, và cũng biết ngưỡng mộ con ốc sên đã biết sáng tạo cho mình một cái vỏ ốc vừa vặn xinh đẹp.

Và kính trọng cũng không có nghĩa là chỉ biết cung kính chiêm ngưỡng những nét kỳ diệu của đàn bướm đầy màu sắc, hay im lặng ngất ngây trước vẻ quý phái mượt mà của những đóa hoa mộc lan tây (magnolia). Biết kính trọng là để đi tới hành động, đó là tiếng chuông đang kêu gọi chúng ta trong cuốn sách của Thầy “ hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh’’ Hòa bình và môi sinh luôn đi đôi với nhau, cũng như hai người anh em Triều Tiên và Hàn Quốc, tuy đang thù nghịch nhau, nhưng vẫn có cơ hội để đến gần lại với nhau nếu biết hiến tặng vùng phi quân sự màu mỡ cho công viên hòa bình thế giới. Ta phải biết nắm lấy mọi thời cơ thuận tiện để cùng nhau góp sức xây dựng một nền hòa bình chung, nền hòa bình đó cao quí hơn tất cả mọi bất đồng do đầu óc ta tưởng tượng, cùng nhau thực hiện ước mơ hòa bình là có thể tránh được hiểm họa diệt vong cho toàn thể nhân loại.

Vấn đề môi sinh kết hợp mọi người, mọi quốc gia, mọi tín ngưỡng lại với nhau. Nếu chúng ta không kết hợp lại để cùng nhau bảo vệ môi sinh thì đương nhiên tất cả chúng ta sẽ bị hủy diệt. Nếu chúng ta cùng hợp tác để giải quyết vấn đề thì tất cả sẽ được sống sót, con người cũng như tất cả các loài sinh vật khác trên trái đất. Lúc ấy mới có thể hy vọng hòa bình có mặt.

DOWNLOAD
(Nguồn: kenhsachnoi.blogspot.com)

No comments:

Post a Comment